Rất vui được gặp lại các bạn!
Hôm nay mình xin được mở một cuộc bàn luận về tiểu thuyết đầu tiên mình đã đọc trong "Đọc truyện kinh điển đêm khuya": Kiêu Hãnh và Định Kiến.
Nếu các bạn theo dõi "Đọc truyện kinh điển đêm khuya" từ buổi đầu, chắc hẳn các bạn cũng đã vô cùng quen thân với cuốn tiểu thuyết dài sáu mươi mốt chương này! Có thể nói, đây gần như là cuốn tiểu thuyết kinh điển đầu tiên mà mình đọc khi làm quen với loại sách này. Câu chuyện này của Jane Austen quả thực là hàng đầu trong bảng xếp hạng "Những cuốn tiểu thuyết cho phụ nữ mà bạn nhất định phải đọc). Tất nhiên, mình không hề phân biệt ở đây, mà giới nam, lại càng đặc biệt nên đọc cuốn sách tuyệt diệu này.
Để tóm tắt câu chuyện, ta có thể bắt đầu bằng câu đầu tiên trong quyển sách:
"Có một chân lý được đông đảo mọi người công nhận, đó là đàn ông độc thân mà lại sở hữu một gia tài đáng kể thì ắt hẳn sẽ muốn lấy vợ lắm."
(It is a truth universally acknowledged, that a single man in possesion of a good fortune, must be in want of a wife)
Chỉ bằng một câu văn, tác giả đã mở ra vấn đề được nói đến chủ yếu trong cả cuốn sách. Kiêu Hãnh và Định Kiến là câu chuyện muôn thuở của các cô gái khi đến tuổi lấy chồng: Cha mẹ, họ hàng, anh chị em, tất thảy chỉ quan tâm đến đời sống hôn nhân của cô ta. Đa số mọi người đều cho rằng một cô gái đã đến tuổi chín muồi thì cần một tấm chồng để dựa dẫm, nếu lấy được anh chồng giàu có thì mới là hoàn hảo.
Tuy nhiên, nữ chính của chúng ta, Elizabeth Bennet, cô con gái thứ rất đặc biệt và cứng đầu của gia đình Bennet, với trí tuệ sắc sảo và tài phán đoán sáng suốt, đương nhiên sẽ không đồng ý với quan niệm cũ rích ấy. Có thể nói, ở thời mà phụ nữ không được tôn trọng, và giới nữ nói chung bị chà đạp, thì tư tưởng "Một hôn nhân cần dựa trên tình yêu và hạnh phúc đôi lứa" là vô cùng tiến bộ. Như hầu hết các bà mẹ, các cô gái thời ấy cũng chỉ mong kiếm được người chồng tốt để gánh vác cuộc đời cô, vậy nên thật đáng khen khi Elizabeth đã có một suy nghĩ thấu đáo hơn về ý nghĩa hôn nhân. Bất chấp mọi sự phán đoán khôn ngoan đã được luyện tập từ trước, ta phải công nhận một điều rằng cô quá tin tưởng vào chính phán đoán, chính những định kiến của mình để rồi nhận định sai về anh chàng Fitzwilliam Darcy, vốn là một quý ông, nhưng chỉ do mắc thói kiêu hãnh mà trở nên "đáng ghét". Song, Darcy đã chứng mình được cho cô thây điều đó, rằng không phải lúc nào những nhận định về một người nào đó trước khi thực sự hiểu thấu được người ta là chính xác.
Còn về phần Darcy, nam chính của chúng ta, ở ấn tượng đầu, được miêu tả là một người đàn ông sáng dạ, khôi ngô, giàu có, nhưng "khó ở", khinh suất. Anh dường như chỉ được người kiêng nể, chứ không được người ta ái mộ, và thậm chí, bị một người đàn bà thiển cận, đồng bóng như bà Bennet khinh ghét. Ban đầu anh ta không mấy đánh giá cao Elizabeth, không như cô xứng đáng được phán xét, nhưng dần dần, Darcy đã vượt qua được những định kiến của anh về địa vị, thân phận để hiểu được cái đáng yêu trong tính cách của cô, cái mộc mạc đáng quý trong đôi mắt nâu của cô, cái nét vui nhộn hài hòa trong tính cách cô. Chính tình cảm êm đềm bất ngờ nảy lên trong tư tưởng của Darcy dành cho Elizabeth ấy đã giúp anh khắc phục tính kiêu hãnh đáng chê trách, để anh chân thực cảm nhận được cái gọi là "tình yêu".
Như vậy, ta thấy rằng tình yêu chớm nở đã tác động đến cả hai nhân vật chính của chúng ta, khiến cả hai người đều thay đổi, cải thiện và sửa đổi bản thân sao cho tốt đẹp hơn. Không chỉ Elizabeth đã giúp Darcy thoát khỏi thói tự kiêu khiến những người xung quanh căm ghét anh, mà ngay cả Darcy cũng đã phá bỏ định kiến và mở rộng tầm nhìn cho cô gái Elizabeth của chúng ta, khiến cô nhận ra những sai lầm của bản thân và cũng vì thế mà nhìn cuộc đời với một ánh mắt thêm phần bao dung, cởi mở.
Tình yêu thật mạnh mẽ và cao đẹp! Thế nhưng, Kiêu Hãnh và Định Kiến không chỉ là câu chuyện tình yêu giữa hai con người tưởng như đi trên hai đường thẳng song song, mà tác phẩm này còn là một câu chuyện châm biếm ngầm vô cùng khéo léo. Jane Austen đã phê phán thói ngạo mạn không chỉ của các quý tộc, mà còn của các giai cấp trung lưu như chính ông bà Bennet, hay cái nhìn thiển cận, hạn hẹp của con người họ.
“Kiêu căng và kiêu hãnh là hai chuyện khác nhau, dù những từ này thường được sử dụng như đồng nghĩa. Một người có thể tự hào về bản thân mà không tự cao tự đại.
Kiêu hãnh thể hiện nhiều hơn cách nhìn của chúng ta về bản thân; kiêu căng, cách chúng ta muốn người khác nghĩ về mình.”
Ngoài ra, ta có thể thấy lấp ló trong truyện tình của Elizabeth Bennet và Fitzwilliam Darcy, truyện tình của chính tác giả Jane Austen và người tình thời trẻ của bà: Tom Lefroy. Trong hầu hết các tác phẩm của Austen, ta đều thấy có gì đó gắn liền với mối tình bất hạnh của bà.
Lefroy là một sinh viên trường luật ở Hampshire, và trong một lần thăm người họ hàng, Austen và Lefroy đã may mắn được gặp. Kể từ đó, tình yêu mãnh liệt của họ đã bung nở một nội lực vô hình. Đa số các nam chính trong truyện của Jane Austen đều được miêu tả có phần dựa trên Tom Lefroy: một chàng trai điềm đạm, ít nói nhưng chân thành và ấm áp, một chàng trai có vẻ trang nhã và tri thức, dù sự thật rằng ông xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả với mười một anh chị em. Bên cạnh đó, Austen chỉ là con gái của một gia đình trung lưu, vậy nên chính bà cũng không thể đảm bảo được tương lai tươi sáng cho hai người. Cuối cùng, Lefroy đã cưới một tiểu thư giàu có hơn, và Austen đã đơn côi một thân một mình cho đến ngày qua đời.
Có lẽ Jane Austen đã mong cho cuộc đời mình có một cái kết có hậu hơn, khi sự chênh lệch về đẳng cấp, khi tiền tài và vật chất đều không thể ngăn cản sức mạnh của một cuộc tình ngọt ngào và lãng mạn như của bà và Tom Lefroy. Vì thế, ta thấy được đa số những tác phẩm của Austen đều mang theo mình một cái kết đẹp như mơ, tượng trưng cho ước vọng và tình yêu trường tồn của bà cho người tình tuổi đôi mươi của mình.
Tổng kết lại, bất chấp sự thật rằng Kiêu Hãnh và Định Kiến được coi là một tiểu thuyết khá khó đọc, nó vẫn đã giữ vững vị trí để trở thành một trong những tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng nhất trong hơn một thế kỉ qua, và đến với chúng ta, và để lại bao dư âm lắng đọng. Câu chuyện không chỉ có giá trị với đời sống tinh thần của riêng tác giả, mà tất cả chúng ta đều có thể liên hệ và thấu cảm với những tâm tư tình cảm gửi gắm trong đó. Mình hi vọng rằng khi các bạn bất chợt thấy trống rỗng hoặc u sầu, hãy đọc Kiêu Hãnh và Định Kiến, vì nó là một liều thuốc tình thần vô cùng quý giá và hữu hiệu!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi, và hẹn gặp lại với Đại gia Gatsby!
Các bạn có thể đón xem bản live-action của Kiêu Hãnh và Định Kiến (Pride and Prejudice) (2005).
hoặc bộ phim về cuộc đời của nữ văn sĩ vĩ đại Jane Austen: Becoming Jane (2007)!
Bài viết hay và chi tiết, Cảm ơn bạn rất nhiều. Tuy nhiên phần trích từ "kiêu căng" thì bản dịch sách của mình lại dùng từ "phù phiếm" và mình cảm thấy từ đó lại . Với minh cảm nhận cuốn sách còn 1 phần phê phán giới trẻ và xin trích 1 đoạn sau:
Trả lờiXóa"Khi người trẻ bị chuyện không có gia sản trước mắt ngăn trở hẹn ước với nhau, làm sao cháu có thể hứa sẽ khôn ngoan hơn biết bao kẻ đồng trang lứa nếu cháu bị cám dỗ, hay thậm chí làm sau cháu có thể biết rằng cưỡng lại là khôn ngoan? Do vậy cháu chỉ có thể hứa với mợ mội điều là không hấp tấp.". Đoạn này khi Elizabeth và dì nói về việc khi cô nghiên túc khi quyết định có một mối quan hệ.Phần này của cuốn sách 1 phần nói lên sự hấp tấp, ham mê dục vọng, phóng khoáng của người trẻ mà kể cả hiện này vẫn còn.