Đại gia Gastby - Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby)

 "Giấc mơ Mỹ" đã từng là một tia sáng hy vọng cho người trẻ nước Mỹ trong thời đại loạn lạc sau Thế Chiến I, thế nhưng, nó đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng cho một nền văn hóa, kinh tế ngay sau đó.

Xin chào các bạn! Lâu lắm ròi mình mới có thể viết tiếp blog "Đọc truyện kinh điển đêm khuya", và mình xin chân thành xin lỗi vì sự trì trệ này. Mình mong các bạn vẫn sẽ tiếp tục theo dõi blog này, vì đây sẽ là nơi mình nêu ra những cảm nhận, tìm hiểu cũng như phân tích về những tiểu thuyết đã được đọc trên Podcast của mình! Mình cảm ơn những bạn thính độc giả đã luôn tận tụy theo dõi Podcast và blog của mình, và mình mong muốn có thể đem đến những nội dung chất lượng nhất tới cho các bạn!

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng đi vào thế giới của "Đại gia Gatsby" (The Great Gatsby) nhé!

Tổng quan: Đại gia Gatsby - Gatsby vĩ đại (The Great Gatsby) là một tiểu thuyết của nhà văn F. Scott Fitzgerald, được xuất bản lần đầu ngày 10 tháng 4 năm 1925. Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta đã từng nghe tới, biết tới và đã đọc cuốn tiểu thuyết lừng danh này, và "The Great Gatsby" được coi là "cuốn tiểu thuyết vĩ đại của nước Mỹ" (The Great American Novel). Thế nhưng, ít ai biết rằng, khởi đầu của cuốn tuyệt tác này vô cùng thê thảm với chỉ vỏn vẹn 25 nghìn bản được bán ra trong suốt 15 năm cuối đời của tác giả. Điều này có lẽ do sự loạn lạc, đau thương và trì trệ đến từ Thế Chiến II đã khiến nhiều độc giả lãng quên cuốn sách, và chỉ đến khi nó được tái bản lần nữa vào 1945 và 1953 thì cuốn sách mới nhận được sự công nhận và chú ý thích đáng. "The Great Gatsby" đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng và được đánh giá là một trong 10 kiệt tác văn chương vĩ đại nhất mọi thời đại bởi 125 nhà văn tiêu biểu đương thời, và đã được đưa vào chương trình giảng dạy Trung học Phổ thông và Đại học trên thế giới.

Ở bề nổi, cuốn tiểu thuyết có vẻ là một chuyện tình lãng mạn, bi kịch về một chàng trai không thể nào có được cô gái anh ta yêu và hằng mong ước, dẫu đã sẵn lòng làm tất cả vì cô ta. Thế nhưng, tầng ý nghĩa sâu sắc và chính xác hơn mà Fitzgerald muốn bày tỏ lại là một bức tranh không mấy màu nhiệm, lãng mạn hay ngọt ngào, mà là sự thật trần trụi về một thế hệ, một kỷ nguyên thối nát về tinh thần và đạo đức mà cá nhân tác giả gọi là "Thời đại Jazz" (The Jazz Age).

Bối cảnh: Để hiểu rõ một cuốn tiểu thuyết, dĩ nhiên ta cần đi sâu vào tìm hiểu bối cảnh và ảnh hưởng của nó. "The Great Gatsby" ra đời và được đặt vào một thời điểm khá bấp bênh của nước Mỹ: khi Thế Chiến I kết thúc và nền kinh tế nước Mỹ phát triển mạnh, tạo nên động lực cho sự giàu có nhanh chóng của những doanh nhân mới nổi (như trong truyện, Gatsby là một biểu tượng điển hình). Thêm vào đó là Tu chính án thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ được ban hành năm 1919 đã cấm lưu hành các loại rượu, và để đối mặt với cơn khát rượu của người Mỹ, nghề buôn bán rượu lậu nổi lên, từ đó cũng tiếp tay cho những đại gia mới nổi như Gatsby. 

Đi song song với nền kinh tế tăng trưởng mạnh và kích thích chủ nghĩa tiêu dùng là sự vỡ mộng, bất tín của những người Mỹ trẻ sau chiến tranh. Những giáo lý đạo đức từ thời Victoria trở nên quá khắc nghiệt, cứng nhắc và giả tạo đối với họ, và nắm bắt cơ hội đất nước giàu lên nhanh chóng như vậy, họ bắt đầu ăn chơi trác táng, coi đó là "thụ hưởng cuộc sống", một "phong cách sống" đúng mực và thời thượng. Chủ nghĩa thực dụng càng được đẩy mạnh, dẫn đến những cuộc vui chơi suốt ngày đêm (hay điển hình là những bữa tiệc xa hoa, loạn lạc vào mỗi tối thứ Bảy của Gatsby), và sự suy đồi về đạo đức, lối sống. Những người đàn ông thì mải mê và mù quáng theo đuổi những đồng tiền để đi đến con đường tội lỗi (điều này được thể hiện ở tuyến nhân vật Gatsby và Meyer Wolfsheim một cách vô cùng rõ nét), những người phụ nữ thì để mặc bản thân, cố gắng sống sao cho được bằng đàn ông: hút thuốc, nhậu nhẹt, tiệc tùng thâu đêm, cao ngạo, lẳng lơ nhưng đồng thời cũng vô cùng nhu nhược (ta thấy được trong cuốn sách qua những nhân vật Daisy Buchanan, Jordan Baker, Myrtle Wilson và cô em gái bà ta); và bất cứ người trẻ (hoặc kể cả một số người già hơn một chút) nào thời ấy cũng vô cùng nông cạn, thực dụng và vô cảm, ví dụ như những kẻ ham danh (social climbers) thường đến những bữa tiệc của Gatsby để mở rộng mối quan hệ, nhưng rồi chẳng một ai có mặt ở đám tang của ông; hay Klipspringer, người đàn ông ăn hại ăn bám ở nhà Gatsby, bòn rút tiền của của ông nhưng khi Gatsby qua đời, ông ta đã bỏ trốn và chỉ gọi lại để đòi dôi giày tennis cũ kĩ của mình.

Biểu tượng: 

    Bên cạnh những sự hóa thân của từng nhân vật trong "The Great Gatsby", thì các địa điểm và sự vật đều có những ý nghĩa khác nhau theo cách mà từng nhân vật nhìn nhận, điển hình là "Đôi mắt của Bác sĩ T.J. Eckleburg" ở ga ra của Wilson, hay chính "Thung lũng bụi" là biểu tượng của sự phân cực giữa tầng lớp nghèo và giàu ở New York. Trong cuốn tiểu thuyết, có ba biểu tượng chính:

+) Ánh sáng xanh ở cuối bến đỗ nhà Daisy: Nhân vật Nick đã từng so sánh ánh sáng xanh này với vệt tăng trưởng mạnh mẽ trên biểu đồ kinh tế Mỹ. Cả hai hình ảnh này đều tượng trưng cho một giấc mơ xa vời, phiến diện của Gatsby nói riêng và thế hệ mới của nước Mỹ thời ấy nói chung. Gatsby đã tin vào ánh sáng xanh ấy như niềm tin của anh vào một tương lai rộng mở, thịnh vượng khi anh cuối cùng đã có được cả ái tình và tiền tài. Thế nhưng rồi, như mỗi đêm anh vươn tay ra để nắm bắt nó, anh đã không thể nắm bắt được giấc mơ của mình, và nhận một cái kết đắng. Một nhân vật khác cũng được so sánh với Gatsby, đó là George Wilson, bởi lẽ ông cũng là một người mơ mộng và thần thánh hóa bà vợ lăng loàn của mình để rồi rơi vào suy sụp tinh thần; và hai nhân vật này đều bị hủy hoại bởi những người phụ nữ của Tom Buchanan.

+) Thung lũng bụi: Như đã nói trên, nơi này là một biểu tượng của sự phân ly đáng kinh ngạc giữa hai thế giới: thượng lưu và hạ lưu. Đề tài về phân biệt giai cấp cũng là một chủ đề nổi bật trong "The Great Gatsby". Tiền tài và danh vọng dường như quyết định tất cả: đạo đức, tình yêu, hạnh phúc. Tom và Daisy là những kẻ thượng lưu, tầng lớp quý tộc cũ của Mỹ nên họ sống ở một nơi lộng lấy, tinh tế, gặp gỡ những người quyền thế và dễ dàng trốn tội khi cần thiết; trong khi Gatsby, một tên giàu sổi, thất bại trên con đường tình ái, phải dựa dẫm vào kinh doanh bất hợp pháp và cuối cùng, chết trong cô độc, tuy vậy, anh vẫn giữ được phẩm giá của mình, và là một người tận tâm, hào phóng; thảm nhất, đương nhiên là người thuộc tầng lớp nghèo nhất, là George Wilson, người đàn ông hời hợt, cả tin, sống như một cái bóng ở một đống đổ nát tên "Thung lũng bụi" với một cuộc hôn nhân đổ vỡ, chưa bao giờ có được hạnh phúc và cũng phải đón nhận cái chết. 

+) Quần áo và biệt thự của Gatsby: tuy đây là một yếu tố không mấy nổi bật, nhưng lại mang tính phản ánh sâu sắc về quan điểm của Fitzgerald. Gatsby luôn mặc những bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, kém sang (bộ vest hồng, bộ đồ vàng, v.v...) và ngay cả biệt thự của anh cũng quá đỗi xa hoa, diêm dúa đến mức chướng mắt. Gatsby là đại diện của tầng lớp nhà giàu mới nổi thời đó, được F. Scott Fitzgerald miêu tả là thô tục, bành chướng, hống hách và kém duyên trong giao tiếp xã hội (Gatsby đã không nhận ra ý bất chính của của nhà Sloanes khi mời đến bữa trưa). Dù họ có tiền tài, nhưng không bao giờ được công nhận và thậm chí còn bị khinh ghét bởi tầng lớp quý tộc cũ (như Tom và Daisy), những người con người duyên dáng, kiểu cách và hiểu biết trong việc xã giao.

Vậy tình yêu có ý nghĩa gì trong "The Great Gatsby"?

Sự phân biệt giàu nghèo, giai cấp và chủ nghĩa thực dụng là thước đo chính cho những yếu tố khác trong bức tranh của F. Scott Fitzgerald, hay cũng là hiện trạng của thập niên 1920. Ban đầu, Daisy vì đã "không thể chờ đợi" Gatsby, vậy nên cô đã đành lòng cưới Tom Buchanan nhằm thỏa mãn nhu cầu được "yêu thương vô tận" và một tương lai đảm bảo. Thế rồi, Gatsby quay trở lại cuộc đời cô và trở thành một người đàn ông giàu có, nhưng chỉ là dựa trên một sự nghiệp không mấy bền vững. Khi được hỏi cô yêu ai, Daisy đã trả lời rằng cô yêu cả Tom và Gatsby: Tom là một lựa chọn an toàn hơn, nhưng Gatsby là mối tình cháy bòng thời còn trẻ. Tuy nhiên, cô không yêu Gatsby nhiều bằng anh yêu cô, và đã đẩy anh đến bi kịch của cuộc đời. Ngay cả Gatsby cũng đã bị cái thang đo của tiền bạc và địa vị thao túng tình yêu thuở đầu trong sáng của mình, vì anh chỉ đợi đến khi đã có danh trong xã hội mới đủ can đảm tiếp tục theo đuổi Daisy, đến nỗi tìm đến con đường tội phạm. Dường như một chuyện tình nào trong "The Great Gatsby" cũng nhuốm màu tham vọng hư vinh, và chỉ có cái sự "hiếu kì nhẹ nhàng" mà Nick dành cho Jordan Baker mới là thứ duy nhất gần với "tình yêu".

Cái kết: Sau bao nhiêu giông tố và biến động trong cuộc đời, cuối cùng Gatsby đã không có được hạnh phúc, không có một tương lai xán lạn. Anh chưa bao giờ chạm được đến "ước mơ" của mình, mà ngược lại, đối mặt với một cái chết hết sức đột ngột và lạnh lẽo. Sau cái chết của Gatsby, chương cuối chủ yếu là góc nhìn của Nick khi được biết rõ hơn về cuộc đời của ông bạn hờ này qua bố ruột của Gatsby, có lẽ là người duy nhất thực lòng và nồng nàn yêu thương Gatsby, và Nick nhận ra suốt cuộc đời, "James Gatz" chưa bao giờ hết cô đơn. Đến tận khi đám tang của anh, cũng chỉ có Nick và bố anh, và lão già Mắt Cú, người đã trầm trồ trước thư viện sách của Gatsby, đến dự. Có lẽ vì thế mà ông Mắt Cú đã cảm thán trước mộ Gatsby: "Thằng cha tội nghiệp".

Cuối cùng, ta rút ra được bài học gì? 

Ở chương cuối, Nick đã nhận xét: "[Gatsby] đã đi một chặng đường dai để đến bãi cỏ xanh này, và giấc mơ của anh có vẻ đã gần đến nỗi anh không thể không nắm bắt được. Anh đã không hề hay biết rằng nó đã tụt lại đằng sau anh." Đúng thật vậy, giấc mơ Mỹ đã hình thành từ thuở xa xưa, trước khi chính nước Mỹ được sinh ra, khi những người Hà Lan đặt chân lên một mảnh đất màu nhiệm mới với những cây to lớn, và họ dần hình thành một ước vọng rằng đây sẽ là khởi đầu mới cho loài người, rằng đó sẽ là miền đất hứa mà đâu biết rằng chính họ đã khơi mào cho một tương lai sau này khi những cái cây đó bị chặt đổ để xây căn nhà lố bịch của Gatsby. Căn bản, giấc mơ Mỹ đã là một thứ ảo mộng xa xưa về một tương lai tươi sáng, thịnh vượng, đầy đủ của con người; thế nhưng chính Gatsby nói riêng và cả nước Mỹ nói chung đã lạc lối trong quá khứ và bỏ quên hiện tại và tương lai để theo đuổi một khái niệm mà họ đã, đang và có thể sẽ không bao giờ chạm tới được.


Tư liệu tham khảo: https://www.sparknotes.com/lit/gatsby/themes/

https://www.sparknotes.com/lit/gatsby/what-does-the-ending-mean/

https://vi.wikipedia.org/wiki/Gatsby_v%C4%A9_%C4%91%E1%BA%A1i

Cảm ơn các bạn đã đọc bài phân tích truyện "Đại gia Gatsby" này, và mình mong qua nó, bạn hiểu hơn về cuốn tiểu thuyết này! 



Nhận xét

Đăng nhận xét